Giới thiệu
Đối với anh em DevOps thì Kubernetes có lẻ không có gì xa lạ. Chắc mọi người cũng đã đọc nhiều bài tại sao ta nên sử dụng Kubernetes cho môi trường production, Kubernetes giúp ta giải quyết những vấn đề gì, nhưng cái gì cũng có ưu và nhược điểm của nó và Kubernetes cũng vậy. Nên ở bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về vấn đề: khi nào thì ta không nên sử dụng Kubernetes?
Đây là các trường hợp ta không nên sử dụng Kubernetes:
- Dự án hoặc ứng dụng với quy mô nhỏ.
- Ứng dụng không cần tính khả dụng cao (High Availability).
- High-performance computing (HPC).
- Ứng dụng thuộc kiểu quá đặc thù.
Dự án hoặc ứng dụng với quy mô nhỏ
Trường hợp đầu tiên mà ta không nên sử dụng K8S để triển khai dự án hoặc ứng dụng của ta là nó có quy mô quá nhỏ.
Ví dụ dự án của ta chỉ cần một ứng dụng chạy PHP + một con Database MySQL đơn giản, với số lượng người dùng chưa tới 1000 người mỗi ngày. Thì không cần thiết phải triển khai nó lên trên K8S, ta chỉ cần triển khai nó lên trên một con máy ảo đơn giản là được. Vì để triển khai được một ứng dụng lên trên K8S ta cần làm rất nhiều thứ, chưa kể để dựng được một K8S Cluster và vận hành được nó ta cũng tốn rất nhiều chi phí.
Nên đối với một dự án quy mô nhỏ thì ta không cần phải triển khai nó lên trên K8S, trừ khi công ty bạn có thể sử dụng K8S cho mọi dự án thì ta mới xem xét có nên dùng K8S hay không.
Ứng dụng không cần tính khả dụng cao
Một trong những tính năng nổi bật của K8S là giúp ta xây dựng một ứng dụng có tính khả dụng cao, thời gian mà ứng dụng sống để xử lý yêu cầu của người dùng luôn trên 90%.
Nên trường hợp thứ hai mà ta không cần phải sử dụng K8S là khi ứng dụng của ta không cần tính khả dụng cao.
Ví dụ khi ứng dụng của ta có bị chết mà không ảnh hưởng gì tới người dùng thì ta không cần thiết phải triển khai nó lên trên K8S, vì để triển khai ứng dựng với tính khả dụng cao thì ta sẽ tốn thêm chi phí.
High-performance computing (HPC)
Trường hợp thứ 3 mà ta không nên sử dụng K8S là khi ứng dụng của ta cần hiệu suất rất cao (High-performance computing).
Đối với các ứng dụng dạng High-performance computing thì tốc độ xử lý phải ở mức nano hoặc microseconds, cực kì nhanh. Việc đẩy ứng dụng vào trong container và triển khai lên trên K8S sẽ khiến tốc độ chạy của ứng dụng bị giảm một xíu, do khi ta chạy ứng dụng trong container thì sẽ có một tầng trung gian khá phức tạp được thêm vào giữa ứng dụng và hệ điều hành, tuy nó sẽ không gây ra độ trễ nhiều nhưng đối với ứng dụng cần tốc độ nanoseconds để xử lý thì K8S không phải là lựa chọn tốt.
Ứng dụng thuộc kiểu quá đặc thù
Trường hợp thứ 4 mà ta không nên sử dụng K8S là ứng dụng của ta thuộc dạng quá đặc thù, có nghĩa là ta không thể chuyển ứng dụng sang dạng chạy bằng container được.
Ví dụ là ứng dụng của ta xài một vài thư viện về mạng mà nó có yêu cầu phần cứng quá đặc thù và quá phức tạp để ta có thể chuyển nó sang dạng chạy bằng container. Hoặc ứng dụng của ta chỉ có thể chạy trên Windows mà không thể chạy trên linux thì ta không thể chuyển nó thành dạng container được, vì một ứng dụng chỉ có thể chuyển sang dạng linux container chỉ khi nó có thể chạy được trên hệ điều hành linux.
Tuy K8S cũng có hỗ trợ Windows Node để chạy windows container, nhưng đừng tự làm khổ mình, nên đối với các ứng dụng dạng này thì tốt nhất đừng triển khai nó trên K8S 😂.
Kết luận
Ở trên là một vài trường hợp mà mình thấy không nên dùng Kubernetes để triển khai, nếu còn trường hợp nào nữa thì các bạn chia sẻ nhé.
Nếu bài viết có gì sai hoặc cần cập nhật thì liên hệ Admin.
Tham gia nhóm chat của DevOps VN tại Telegram.
Kém tiếng Anh và cần nâng cao trình độ giao tiếp: Tại sao bạn học không hiệu quả?